Hiến pháp 1980 Chế định Chủ tịch nước Việt Nam

Sau chiến thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975, lực lượng Việt Cộng đã thống nhất được đất nước, quy non sông về một mối. Miền Nam được hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Chính phủ cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam hân hoan trong thắng lợi, và nhanh chóng vạch kế hoạch đưa Việt Nam quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Về mặt pháp luật, đây là giai đoạn đỉnh cao của nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa được áp dụng khi xây dựng bản hiến pháp 1980, khái niệm "Chuyên chính vô sản " lần đầu tiên xuất hiện trong hiến pháp. Đây là lần đâu tiên chế định chủ tịch nước hay chế định nguyên thủ quốc gia từ cá nhân được thể hiện bằng chế độ tập thể (Hội đồng nhà nước).[1]

Tổ chức và hoạt động Nhà nước cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ và quan điểm về "quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động" mà Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam toàn quốc lần thứ IV đã xác định. Cuộc tổng tuyển cử ngày 25 tháng 4 năm 1976 cử tri cả nước đã bầu ra Quốc hội thống nhất, Quốc hội khoá VI. Tiếp đó, ngày 18 tháng 12 năm 1980 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI đã chính thức thông qua Hiến pháp mới đó là Hiến pháp 1980. Chủ tịch nước, theo quy định của Hiến pháp năm 1980, nằm trong hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước ở trung ương với tên gọi là Hội đồng Nhà nước. Hiến pháp năm 1980 đã "sáp nhập" hai chức năng của Ủy ban thường vụ quốc hội với chức năng của chủ tịch nước là cá nhân trong Hiến pháp 1959 vào một cơ quan duy nhất là Hội đồng Nhà nước.

Quy trình và nhiệm kỳ

Hội đồng nhà nước được bầu ra trong số các đại biểu quốc hội. Bao gồm chủ tịch Hội đồng nhà nước và các phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước. Nhiệm kì của hội đông nhà nước theo nhiệm kì của quốc hội, khi quốc hội hết nhiệm kì,hội đồng nhà nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi quốc hội khóa mới bầu ra hội đồng nhà nước mới.

Điều 98 Hiến pháp năm 1980 quy định: "Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất, hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Điều luật này đã xác định rõ vị trí, tính chất của Hội đồng Nhà nước, chính là nguyên thủ tập thể của nước ta, đồng thời là cơ quan cao nhất và hoạt động thường xuyên của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất - Quốc hội. Như vậy Hội đồng Nhà nước vừa là cơ quan thường trực của Quốc hội vừa là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[20]

Về trật tự hình thành và cơ cấu tổ chức, được quy định tại Điều 99 Hiến pháp năm 1980: "Hội đồng Nhà nước, được bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội, gồm có:

  • Chủ tịch Hội đồng Nhà nước,
  • Các Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước,
  • Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước,
  • Các uỷ viên Hội đồng Nhà nước.

Địa vị pháp lý và quyền hạn

Hội đồng nhà nước chính là chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại, thực hiện mọi chức năng nhiệm vụ của chủ tịch nước đồng thời thực hiện chức năng của Ủy ban thường vụ quốc hội. Hội đồng nhà nước chịu tách nhiệm và báo cáo công tác trước quốc hội- Với tư cách là ủy ban thường vụ quốc hội, hội đồng nhà nước thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn sau:[21]

  • Tuyên bố và chủ trì việc bầu cử đại biểu quốc hội, triệu tập các kỳ họp của quốc hội
  • Công bố luật, ra pháp lệnh,giải thích hiến pháp luật và pháp lệnh
  • Giải quyết việc trung cầu ý kiến nhân dân
  • Giám sát công tác của hội đồng bộ trưởng, tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Đình chỉ việc thi hành và bãi bỏ hoặc sửa đổi nghị định, nghị quyết, quyết định của hội đồng bộ trưởng trái với Hiến pháp,luật, nghị quyết, pháp lệnh của quốc hội
  • Giám sát và hướng dẫn hoạt động của hội đông nhân dân các cấp,nhằm phát huy chức năng cơ quan đại biểu nhân dân của hội đồng nhân dân.
  • Sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương, giải tán các hội đồng nói trên trong trường hợp hội đồng đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân
  • Trong thời gian quốc hội không họp, quyết định việc thành lập bãi bỏ các bộ, các ủy ban nhà nước
  • Trong thời gian quốc hội không họp, cử và bãi miễn các phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng các bộ trưởng, các chủ nhiệm ủy ban nhà nước
  • Cử và bãi miễn các phó chánh án, thẩm phán và hội thẩm nhân dân của tòa án nhân dân tối cao

- Nhiệm vụ quyền hạn của chủ tịch hội đồng nhà nước:

  • Bổ nhiệm, bãi miễn và triệu hồi các đại diện toàn quyền ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nướ ngoài và các tổ chức quốc tế
  • Tiếp nhận các đại diện toàn quyền ngoại giao của nước ngoài
  • Phê chuẩn hoặc bãi bỏ những hiệp ước quốc tế, trừ trường hợp xét thấy cần trình quốc hội quyết định
  • Quy định hàm, và cấp quân sự ngoại giao và những hàm và cấp khác
  • Quy định và quyết định việc tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước
  • Quyết định đặc xá
  • Trong thời gian quốc hội không họp, tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược
  • Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ, việc giới nghiêm trong toàn quốc hoặc trong từng địa phương
  • Chủ tịch hội đồng nhà nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân toàn quốc và giữ chức chủ tịch hội đồng quốc phòng.

Thẩm quyền của Hội đồng Nhà nước rất rộng, có thể nói là rộng nhất so với chế định nguyên thủ quốc gia trong các bản Hiến pháp trước đó (năm 1946 và năm 1959) và thậm chí là trong Hiến pháp 1992 sau này, bởi vì Hội đồng Nhà nước giữ hai vị trí vừa là cơ quan thường trực của Quốc hội vừa là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mối quan hệ với các cơ quan cao nhất

Có thể nói thẩm quyền của Hội đồng Nhà nước rất rộng thể hiện ở mối quan hệ của Hội đồng Nhà nước không chỉ với các cơ quan Nhà nước khác ở Trung ương mà còn vươn tới tận các cơ quan Nhà nước ở cấp địa phương.

  • Mối quan hệ giữa Hội đồng Nhà nước với hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước: Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất và hoạt động thường xuyên của Quốc hội, do Quốc hội thành lập trong số các đại biểu Quốc hội. Hôi đồng Nhà nước tuyên bố và chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội, triệu tập các kỳ họp của Quốc hội. Hội đồng Nhà nước công bố luật của Quốc hội, giải thích Hiến pháp và luật của Quốc hội. Hội đồng Nhà nước giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, nhằm phát huy chức năng cơ quan đại biểu nhân dân của Hội đồng nhân dân. Sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của các Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương; giải tán các Hội đồng nói trên trong trường hợp các Hội đồng đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của nhân dân
  • Mối quan hệ giữa Hội đồng Nhà nước với hệ thống cơ quan Hành chính Nhà nước: Hội đồng Nhà nước giám sát hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng. Đình chỉ việc thi hành và sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết, nghị định, quyết định của Hội đồng bộ trưởng trái với Hiến pháp, luật và pháp lệnh. Trong thời gian Quốc hội không họp, Hội đồng Nhà nước quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, cử và bãi miễn các Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, các bộ trưởng, các chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước.
  • Mối quan hệ giữa Hội đồng Nhà nước với hệ thống cơ quan xét xử, kiểm sát: Ở Hiến pháp năm 1980, mối quan hệ này chưa rõ lắm, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy được qua những quy định như Hội đồng Nhà nước giám sát công tác của Toà án Nhân dân Tối cao và của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Hội đồng Nhà nước cử và bãi miễn các Phó Chánh án, thẩm phán và hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân tối cao; cử và bãi miễn các Phó Viện trưởng và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chế định Hội đồng Nhà nước đã thể hiện tư duy của các nhà lập hiến Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là tư duy theo hướng tập trung cao độ quyền lực nhà nước vào trong tay tập thể lãnh đạo. Nó phản ánh đúng xu hướng của lịch sử lúc đó, xây dựng một nhà nước chuyên chính vô sản và hiến pháp theo mô hình của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, hệ thống đang có một phạm vi ảnh hưởng rộng lớn trên toàn thế giới vào thời điểm bấy giờ, Việt Nam là một nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa nên không nằm ngoài khuynh hướng trên.

Đây là bản hiến pháp áp dụng triệt để tinh thần tập trung quyền lực vào tay nhân dân một cách cao độ với những chế đinh có phần giống với mô hình các bản hiến pháp của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc.Hiến pháp 1980 là hiến pháp của thời kì cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Cùng với hiến pháp 1980, chế định chủ tịch nước đã không còn, quyền hạn của chủ tịch nước của nước đã được chuyển vào tay Hội đồng nhà nước. Tuy vậy trên thực tế chế định chủ tịch tập thể này đã làm vô hiệu hoá, hình thức hoá vai trò của chủ tịch nước với tư cách là một nguyên thủ quốc gia. Chính vì thế vai trò của chủ tịch nước trong thời kỳ này chưa được thể hiện một cách rõ nét và ảnh hưởng của các cá nhân là chủ tịch nước cũng không thực sự sâu sắc.

Cũng trong thời kỳ này, Việt Nam lâm vào khủng hoảng về mặt kinh tế, hoạt động của bộ máy nhà nước chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân chính từ trong cách thức tổ chức và hoạt động đặc biệt là tổ chức bộ máy nhà nước ở tầng cao nhất. Từ đó, cho thấy sự nhận thức chưa đúng của các nhà lập hiến khi vận dụng không phù hợp nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện Việt Nam, chủ quan duy ý chí không căn cứ vào tình hình thực tiễn lúc bấy giờ, rập khuôn một cách máy móc theo mô hình hiến pháp của các nước trong hệ thống, không phản ánh đúng hiện thực cuộc sống dẫn đến sự kìm hãm phát triển kinh tế, xã hội trong một thời kì.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chế định Chủ tịch nước Việt Nam http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZRZj6JA... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTLjqJA... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTLkqIw... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTZcqJA... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTbjqJA... http://www.mattran.org.vn/home/DatnuocVN/VietNam/C... http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010067/0/7...